|
| CHƯƠNG III MÔI TRƯỜNG QUẢN TRỊ | |
| | Tác giả | Thông điệp |
---|
dungkieuvan Admin
Tổng số bài gửi : 104 Đến từ : hồ chí minh
| Tiêu đề: CHƯƠNG III MÔI TRƯỜNG QUẢN TRỊ 9th June 2010, 7:22 pm | |
| I- KHÁI NIỆM MÔI TRƯỜNG. Theo từ điển tiếng Việt, môi trường (Environment) là “nơi xảy ra một hiện tượng hoặc diễn ra một quá trình, trong quan hệ với hiện tượng, quá trình ấy”.Môi trường hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp là toàn bộ những điều kiện tự nhiên, xã hội… mà ở đó tổ chức/doanh nghiệp đang tồn tại và phát triển. Hay nói cách khác, môi trường hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp là tổng hợp các yếu tố, các lực lượng và cơ chế hoạt động thuộc bên trong và bên ngoài thường xuyên tác động ảnh hưởng khách quan đến kết quả hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp.Một tổ chức nói chung hay một doanh nghiệp nói riêng, chúng không tồn tại biệt lập mà luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố môi trường xung quanh. Sự tương tác của các yếu tố môi trường có thể tạo thuận lợi hoặc bất lợi, đem đến những kết quả hoạt động khác nhau trong điều kiện các nguồn lực và nổ lực của tổ chức/doanh nghiệp không đổi. Nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường nhằm giúp cho nhà quản trị có nhận thức sâu sắc về yếu tố tác động đến tổ chức/doanh nghiệp. Từ đó, một mặt tận dụng các cơ hôi có thể, mặt khác tìm kiếm những biện pháp quản trị môi trường thích hợp, nhằm giảm nhẹ sự tác hại của chúng. II- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG. 1- Những yêu cầu khi nghiên cứu môi trường. a- Nghiên cứu môi trường trong trạng thái tĩnh. Yêu cầu khi nghiên cứu môi trường trong trạng thái tĩnh cần phải xác định:- Kết cấu của môi trường, tức xác định môi trường của tổ chức/doanh nghiệp đang hoạt động chịu ảnh hưởng bỡi những yếu tố nào?- Tính chất và mức độ ảnh hưởng của môi trường đó nhiều hay ít, thuận lợi và tác hại của nó như thế nào? b- Nghiên cứu môi trường trong trạng thái động. Yêu cầu khi nghiên cứu môi trường trong trạng thái động cần phải xác định:- Xu hướng biến đổi của các yếu tố môi trường trong tương lai.- Mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố này trong quá trình biến đổi. c- Xem xét cả sự biến động của các yếu tố môi trường trong nước và quốc tế. - Trong bối cảnh quốc tế hoá ngày càng sâu sắc, một sự biến đổi bất cứ trong lĩnh vực nào, vĩ mô hay vi mô, kinh tế hay chính trị… ở một quốc gia nào đó sẽ kéo theo sự biến động cả khối và nhiều quốc gia khác, nhất là những nước có nền kinh tế mạnh. - Yêu cầu việc xem xét môi trường toàn cầu cũng phải xem xét cả hai trạng thái tĩnh và động, như trình bày ở trên. Tóm lại: Khi nghiên cứu môi trường đòi hỏi các nhà quản trị phải kết hợp 3 cách tiếp cận trên. Có như vậy, kết quả nghiên cứu mới phản ánh đầy đủ và chính xác. 2- Các phương pháp chung của nghiên cứu môi trường. a- Phân tích các yếu tố môi trường hiện tại. Để việc phân tích đạt được các kết quả tốt, người ta phải sử dụng kết hợp hai loại phương pháp: định lượng và định tính.- Phương pháp định lượng, giúp cho nhà quản trị nhận biết sự việc và hiện tượng dựa trên các số liệu được tính toán cẩn thận, có cơ sở khoa học.- Phương pháp định tính, giúp cho nhà quản trị nhận biết sự vật và hiện tượng thông qua khả năng tư duy của con người. b- Dự đoán, dự báo về sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đối với tổ chức/doanh nghiệp trong tương lai. - Dựa vào các kết quả phân tích, các nhà quản trị dự đoán, dự báo mức độ tác động và xu hướng biến đổi của các yếu tố môi trường.- Trên cơ sở đó xác định: các cơ hội và nguy cơ đối với tổ chức/doanh nghiệp trong tương lai. c- Đề ra các biện pháp quản trị môi trường. - Mỗi tình huống nhất định đòi hỏi có biện pháp quản trị phù hợp. Chẳng hạn, khi xuất hiện sự đe dọa từ yếu tố chính trị, nhà quản trị phải sử dụng các biện pháp né tránh hoặc vận động hành lang; khi xuất hiện sự đe doạ từ yếu tố người cung cấp, doanh nghiệp phải sử dụng biện pháp hợp đồng hoặc dự trử các yếu tố dầu vào của sản xuất…- Khi xuất hiện cơ hội xứng hợp với thế mạnh của mình, doanh nghiệp có biện pháp tranh thủ cơ hội để giành thắng lợi trước các đối thủ cạnh tranh… III- PHÂN LOẠI MÔI TRƯỜNG. 1- Căn cứ phạm vi và cấp độ môi trường, ta có: a- Môi trường bên ngoài. - Môi trường vĩ mô.- Môi trường vi mô. b- Môi trường bên trong (môi trường nội bộ). Việc phân tích các yếu tố môi trường nói trên sẽ được thực hiện ở mục IV và V trong chương này. 2- Căn cứ theo mức độ phức tạp và mức độ biến động của môi trường, ta có: - Môi trường đơn giản – ổn định.- Môi trường đơn giản – năng động.- Môi trường phức tạp – ổn định.- Môi trường phức tạp – năng động. (xem hình minh hoạ sau). Môi trường | ỔN ĐỊNH | NĂNG ĐỘNG | ĐƠN GIẢN | a- Đơn giản- ổn định | b- Đơn giản- năng động | PHỨC TẠP | c- Phức tạp- ổn định | d- Phức tạp- năng động | a- Môi trường đơn giản - ổn định. - Là môi trường có ít các yếu tố ảnh hưởng và ít biến động.- Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường này có nhiều thuận lợi, ít rủi ro nhất. b- Môi trường đơn giản - năng động. - Là môi trường có ít các yếu tố tác động, nhưng chúng thường thay đổi.- Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường này tương đối có nhiều rủi ro hơn so với môi trường đơn giản – ổn định. c- Môi trường phức tạp - ổn định. - Là môi trường có nhiều yếu tố tác động và ít khi thay đổi.- Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường này có khá nhiều rủi ro. d- Môi trường phức tạp - năng động. - Là môi trường có nhiều yếu tố tác động và chúng thường thay đổi.- Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường này có rất nhiều rủi ro. Các nhà quản trị cần có những biện pháp quản trị môi trường thích hợp, nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra. IV- SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG BÊN NGOÀI TỔ CHỨC/DOANH NGHIỆP. Có nhiều yếu tố môi trường không thuộc của tổ chức/doanh nghiệp, nhưng chúng có ảnh hưởng to lớn đến kết quả quá trình hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp. Để thuận tiện cho việc phân tích sự ảnh hưởng của nó, người ta chia chúng thành hai nhóm: Nhóm các yếu tố môi trường vĩ mo và nhóm các yếu tố môi trường vi mô. Sự ảnh hưởng của mỗi nhóm không giống nhau ở những tổ chức/doanh nghiệp khác nhau. 1- Các yếu tố môi trường vĩ mô. a- Các yếu tố kinh tế.Những biến động các yếu tố kinh tế trong và ngoài nước ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp. Các yếu tố kinh tế có nhiều, song chúng ta tập trung xem xét các yếu tố chủ yếu sau:v Sự tăng trưởng kinh tế. Theo phương pháp tiếp cận hiện đại, tăng trưởng kinh tế được coi là việc mở rộng sản lượng tiềm năng của một quốc gia trong một giai đoạn nhất định. Hay nói cách khác, tăng trưởng kinh tế là việc mở rộng tiềm năng kinh tế để sản xuất ra nhiều sản phẩm/dịch vụ hơn, phục vụ cho tiêu dùng trực tiếp và tái sản xuất mở rộng. Hiệu quả của sự tăng trưởng kinh tế được đo lường bằng 3 chỉ tiêu: 1-Mức gia tăng sản lượng theo đầu người và mức tăng mức sống của các cá nhân điển hình trong dân cư. 2-Mức gia tăng năng suất lao động xã hội cao và ổn định. 3-Sự tăng trưởng kinh tế không để lại những nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế trong tương lai.Cũng cần phân biệt sự tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế là hai thuật ngữ độc lập, nhưng chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Phát triển kinh tế là một quá trình biến đổi về số lượng, chất lượng sản xuất và đời sống của một nền kinh tế-xã hội nhằm đạt đến sự thoả mãn các nhu cầu, các mục tiêu do xã hội đặt ra; Khái niệm tăng trưởng kinh tế hiện đại được hiểu là tăng khả năng sản xuất ra hàng hoá/dịch vụ nhằm nâng cao mức sống của toàn xã hội, đồng thời quá trình phát triển này không để lại những di hại lâu dài cho nền kinh tế, cho xã hội, cho môi trường tự nhiên.Mức tăng trưởng kinh tế, cơ cấu nền kinh tế, mức toàn dụng, lạm phát, tỷ giá hối đoái, chỉ số chứng khoán … sẽ có những tác động tích cực hay tiêu cực đối với doanh nghiệp. v Các chính sách kinh tế quốc gia.Chính sách kinh tế quốc gia thể hiện quan điểm, định hướng cho sự phát triển nền kinh tế của quốc gia đó. Thông qua các hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế của Chính phủ, bằng việc Chính phủ đưa ra các quyết định chứa đựng trong đó có hoặc không ưu đãi-khuyến khích đối với một số lĩnh vực ngành nghề kinh tế nhất định. Chẳng hạn, Chính phủ quy định thuế suất cao đối với doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm có hại đến sức khoẻ của con người như thuốc lá, rượu bia; áp dụng thuế suất thấp đối với ngành sản xuất dược phẩm, chế biến thực phẩm… Hoặc nhà nước độc quyền quản lý các ngành kinh tế then chốt. Một chính sách kinh tế có lợi cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp khi nào chính sách kinh tế đó thật sự rõ ràng, minh bạch, ổn định và cởi mở. Nó có khả năng tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, thuận tiện nhất cho sự hoạt động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. v Chu kỳ kinh tế. Chu kỳ kinh tế thể hiện sự thăng trầm về khả năng tạo ra của cải của nền kinh tế trong những giai đoạn nhất định. Người ta sử dụng phương pháp thống kê để đo lường mức độ thăng trầm của nền kinh tế và dựa trên những đặc điểm chủ yếu cho phép họ thiết lập các giai đoạn của chu kỳ kinh tế. Sự tác động mỗi giai đoạn của chu kỳ kinh tế khác nhau tạo ra sự thuận lợi hay bất lợi cho các doanh nghiệp không giống nhau.- Thời kỳ phát triển. Là thời kỳ mà nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và đồng thời có sự mở rộng về quy mô. Trong giai đoạn này, hàng hoá của các doanh nghiệp tiêu thụ nhanh, sản xuất mở rộng, giá cả-lương bổng-lãi suất và lợi nhhuận đều tăng. Do đó, các doanh nghiệp thường gia tăng các đơn đặt hàng, huy động thêm vốn, thuê thêm nhân công, gia tăng đầu tư nhằm thoả mãn các nhu cầu của thị trường.- Thời điểm cực đại. Là thời điểm mà nền kinh tế đã đạt đến mức phát triển cao nhất của nó và bắt đầu đi vào giai đoạn suy thoái. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp không nên đầu tư mở rộng sản xuất, nên tận dụng doanh thu tối đa để gia tăng lợi nhận.- Thời kỳ suy thoái. Là thời kỳ nền kinh tế có mức tăng trưởng chậm và kỳ sau thấp hơn kỳ trước. Trong giai đoạn này hàng hoá ế ẩm, tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều. Do đó, các doanh nghiệp thường giảm quy mô sản xuất, giảm số lượng đơn đặt hàng, ngừng tuyển nhân công mới và giải quyết nhân công dôi dư, không huy động thêm vốn, giá cả-lương bổng-lãi suất và lợi nhuận đều giảm. - Thời điểm cực tiểu. Là thời điểm suy thoái của nền kinh tế đã xuống đến mức thấp nhất. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp có nhiều động thái chuyển các hoạt động sản xuất-kinh doanh từ thời kỳ suy thoái sang thời kỳ phát triển mới của chu kỳ kinh tế tiếp theo.Mỗi chu kỳ kinh tế có thể dài, ngắn khác nhau tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Từ sự phân tích các số liệu thống kê về GDP, GNP… mà các nhà quản trị có thể dự đoán được mức tăng trưởng nền kinh tế của giai đoạn tiếp theo, từ đó có những quyết định phù hợp.v Khuynh hướng toàn cầu hoá kinh tế. Nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn quốc tế hoá hết sức mạnh mẽ. Một loại hàng hoá có thể sản xuất bất cứ ở đâu nếu ở đó có nhiều lợi thế cạnh tranh và nó có thể được tiêu thụ trên khắp thế giới.Tuy nhiên, các nhà quản trị tầm vĩ mô cũng như vi mô rất quan ngại về những mặt trái của toàn cầu hoá mang lại. Cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều doanh nghiệp trong nước nhất là những nước nghèo và đang phát triển không thể thắng thế cạnh tranh đành phải tuyên bố phá sản, công nhân mất việc, thất nghiệp gia tăng… Chính phủ nhiều nước phải áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch bằng việc thiết lập hàng rào thuế quan, quy định về quy chế hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp hành chính khác để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể làm thiệt hại đến quyền lợi được hưởng giá thấp của người tiêu dùng và bị trả đũa của các nước có liên quan. Vì vậy, để có thể thành công trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đặt biệt là tăng năng suất lao động.b- Các yếu tố chính trị.Đó là các lực lượng chính trị và pháp lý. Trước hết là quan điểm, đường lối, chính sách lãnh đạo của Đảng cầm quyền; các luật lệ của Nhà nước; các hoạt động của Chính phủ. ..Lực lượng chính trị và pháp lý là lực lượng gián tiếp, nhưng chúng tác động rất thường xuyên và mạnh mẽ đến hầu hết các tổ chức và có thể tạo thuận lợi hoặc bất lợi cho tổ chức/doanh nghiệp. Mức độ tác động nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào mô hình kinh tế mà nhà nước đó vận dụng. Trong mô hình kinh kinh tế Truyền thống sự tác động của lực lượng này là rất ít, không đáng kể; trong mô hình kinh tế Chỉ huy thì sự tác động của lực lượng này là rất lớn nếu không muốn nói là tất cả; trong mô hình kinh tế Hỗn hợp thì sự tác động của chúng có phần ít hơn so với mô hình kinh tế Chỉ huy nhưng vẫn còn rất đáng kể.Không có con đường nào khác, các tổ chức nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần phải tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố lực lượng chính trị và pháp lý nhằm đảm bảo các hoạt động của mình đạt tới sự phù hợp ở mức độ cao nhất với các chủ trương, chính sách của Đảng lãnh đạo và luật pháp của Nhà nước hiện hành, tranh thủ khai thác tối đa những thuận lợi và hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố bất lợi do lực lượng này tạo ra.c- Các yếu tố văn hoá và xã hội. Các lực lượng văn hoá và xã hội là những biến trong hệ thống xã hội và văn hoá của chúng ta. Văn hoá và xã hội là hai phạm trù khác nhau nhưng gắn bó với nhau, trong đó xã hội có phạm vi bao quát hơn. Các yếu tố văn hoá và xã hội bao gồm: Những quan niệm về đạo đức, những chuẩn mực xã hội, các quan niệm về thẩm mỹ-lối sống-nghề nghiệp, các phong tục-tập quán-truyền thống-thói quen, trình độ văn hóa, các yếu tố về dân số, thu nhập của dân cư, các tệ nạn xã hội… Mỗi dân tộc, vùng lãnh thổ, địa phương đều có một thống xã hội và văn hoá khác nhau, chúng có ảnh hưởng đến các mặt hoạt động của tổ chức và mức cầu không giống nhau về sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Mặt khác, chúng không ổn định, thường biến đổi theo thời gian, phụ thuộc vào những điều kiện xã hội nhất định. Vì vậy, đối với nhà quản trị các tổ chức/doanh nghiệp không những phải biết xã hội họ đang cần gì mà còn phải biết chúng sẽ thay đổi và ảnh hưởng như thế nào trong tương lai? d- Các yếu tố thiên nhiên. Là những lực lượng, những yếu tố thuộc thế giới xung quanh chúng ta như: khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, tài nguyên thiên nhiên…. Ông bà ta có câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Theo quan niệm đó, nhóm các yếu tố thiên nhiên đã có tới 2 yếu tố cấu thành sự thành công của tổ chức/doanh nghiệp.Nhóm các yếu tố thiên nhiên tương đối ổn định hơn so với các nhóm khác, nhưng nếu có sự thay đổi bất lợi thì sự tác hại của chúng là trất lớn. Mỗi nhà quản trị không thể đồng thời là nhà địa chất tài giỏi, một nhà khí tượng tinh thông…, nhưng đòi hỏi phải biết những gì mà thiên nhiên ban tặng cho mình để tận dụng, những gì hiểm nguy để phòng tránh.e- Các cơ sở hạ tầng kinh tế.Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế bao gồm: mạng lưới giao thông vận tải, mạng lưới thông tin, nguồn nhân lực, tính hữu hiệu của hệ thống tài chính-ngân hàng…Các yếu tố này tác động một cách trực tiếp và hầu hết các doanh nghiệp. Chẳng hạn, nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng sẽ là mối quan ngại đối với các nhà đầu tư khi hầu hết nguồn nhân công đó chưa qua đào tạo để trở thành nguồn nhân lực… f- Các yếu tố khoa học kỹ thuật và công nghệ.Ngày nay, có lẽ đó là yếu tố năng động nhất trong các yếu tố môi trường vĩ mô. Những biểu hiện của sự năng động rõ nét nhất là: chu kỳ đổi mới công nghệ, vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn hơn và xuất hiện những cuộc cách mạng công nghiệp mới như công nghiệp vi điện tử.Sự năng động của nó sẽ làm thay đổi toàn bộ các cơ hội hoặc thách thức trong các tổ chức/doanh nghiệp. Một mặt, các tổ chức/doanh nghiệp có cơ hội tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩn bằng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Mặt khác, chúng sẽ làm tăng thêm chi phí vô hình, tăng nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế, của doanh nghiệp ở những nước nghèo và đang phát triển so với các nước phát triển.Nguyên nhân của nguy cơ tụt hậu nói trên là rất nhiều, nhưng trước hết và đáng kể nhất là vốn không đủ mạnh, trình độ quản lý kém và tay nghề của người công nhân thấp. Những doanh nghiệp này khó có thể tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới tiên tiến, hiện đại của thế giới. Để giải quyết mâu thuẫn đó, về cơ bản chúng ta phải đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Kết hợp việc tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật mới bằng các biện pháp và kinh nghiệm của những nước đi trước với việc “đi tắt đón đầu” trong những lĩnh vực ngành nghề có thể, tích cực và chủ động hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. g- Các nhóm áp lực xã hội. Các yếu tố của nhóm này bao gồm: lực lượng bảo vệ môi trường,tổ chức nghiệp đoàn, dư luận xã hội-báo chí, hiệp hội người tiêu dùng, các tổ chức xã hội, thái độ của cộng đồng dân cư nơi doanh nghiệp hoạt động. Đây là các yếu tố gián tiếp, đôi khi nó không được các nhà quản trị quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp phá sản không phải vì chiến lược kinh doanh kém hay thiếu các cơ hội kinh doanh, nhưng chỉ vì một mẫu tin đăng trên báo chí thiếu chính xác hoặc gặp phải một sự phản ứng không thuận lợi của công chúng nơi doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, doanh nghiệp không những chấp hành tốt các luật lệ, quy định của nhà nước và địa phương mà còn phải có sự quan hệ chặt chẽ và thân thiện với chính quyền sở tại, với các tổ chức xã hội và nhân dân. 2- Các yếu tố môi trường vi mô. a- Khách hàng.Khách hàng là danh từ chung để chỉ những người hay tổ chức mua sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Họ là công dân, sinh viên, bệnh nhân… cơ quan hay nhà phân phối. Họ là ân nhân, là nguồn sống của mỗi doanh nghiệp. Nhưng cũng là “người” gây ra nhiều rủi ro tiềm tàng, nghiêm trọng nhất trên nhiều lĩnh vực xoay quanh trục tiền-hàng.Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Tuy có nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nhưng nhìn chung họ có những nhu cầu giống nhau khi mua hàng hoá: mua được những sản phẩm có chất lượng tốt; giá cả phải chăng; phục vụ kịp thời, đúng lúc và thái độ niềm nỡ. Vì vậy, nhiệm vụ các nhà quản trị doanh nghiệp là phải làm mọi cách có thể để thỏa mãn những nhu cầu đó. b- Nhà cung cấp. Nhà cung cấp là danh từ chung để chỉ những cá nhân hay tổ chức cung ứng các loại nguyên vật liệu, năng lượng, trang thiết bị hay dịch vụ … cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác, nhà cung cấp là cá nhân hay tổ chức cung cấp các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Mức độ ảnh hưởng của nhà cung cấp nhiều hay ít phụ thuộc vào tính phổ biến hay ưu thế đặc quyền của nhà cung cấp. Chẳng hạn, nhà cung cấp các loại bằng phát minh, sáng chế, nguyên vật liệu hiếm…có ảnh hưởng to lớn đối với doanh nghiệp đang sử dụng các loại sản phẩm này. Đối với ta là khách hàng của họ, họ cần đến ta như ta cần khách hàng của mình vậy. Các nhà quản trị hãy xem nhà cung cấp là một phận của doanh nghiệp. c- Các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Đối thủ cạnh tranh là cá nhân hay tổ chức có khả năng thoả mãn khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp, vì họ sản xuất kinh doanh cùng một loại sản phẩm/dịch vụ có cùng nhãn hiệu hoặc cùng loại sản phẩm nhưng khác nhãn hiệu. Các hình thức cạnh tranh thông thường là cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã, qui cách, phương thức phân phối, các dịch vụ sau khi bán…Các đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng nhiều cách để giành giật khách hàng của nhau, lấy sự thoả mãn khách hàng làm mục tiêu tối hậu. Như vậy, doanh nghiệp nào có khả năng thoả mãn khách hàng nhiều hơn sẽ thắng thế trong cạnh tranh và ngược lại.Muốn có được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp phải xây dựng một hệ thống quản trị chất lượng có hiệu quả, trong đó chú trọng đến chất lượng của hoạt động tiếp thị (Marketing) và thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, làm cho nó ngày càng phù hợp với nhu cầu người sử dụng sản phẩm, tăng thêm sự thoả mãn của khách hàng. d- Các đối thủ tiềm ẩn. Đối thủ tiềm ẩn là từ dùng để chỉ những cá nhân hay tổ chức mà trong tương lai sẽ là những đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp.Sự đe dọa bỡi đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện nhiều hay ít tuỳ theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Nếu những lĩnh vực, ngành nghề có nhiều cơ hội gia nhập thì trong tương lai mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt, quyết liệt và ngược lại. Chẳng hạn, ở nước ta hiện nay ngành dịch vụ ăn uống sẽ có nhiều cơ hội gia nhập, vì vậy sự cạnh tranh giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong ngành này là rất gay gắt và quyết liệt; ngược lại mức độ cạnh tranh giữa các hảng hàng không dân dụng là rất thấp, vì sự gia nhập vào ngành này là rất khó. Sự gia nhập ngành khó hay dễ phụ thuộc vào các yếu tố: sản xuất quy mô lớn, sự chuyên biệt hoá sản phẩm, nhu cầu về vốn đầu tư, rào cản từ các quy định của pháp luật và các cơ quan chính quyền, các nhóm quyền lợi trong doanh nghiệp. Thông thường, những ngành khó gia nhập sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao và ngược lại. Vì vậy, nhà quản trị doanh nghiệp phải nhận biết ngành nghề mình đang và sẽ kinh doanh để có biện pháp ứng phó thích hợp với các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn hoặc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp khả năng và sở trường của mình. e- Hàng hóa thay thế.Là từ dùng để chỉ những hàng hoá không cùng loại, nhưng chúng có khả năng thay thế sản phẩm của doanh nghiệp, vì công dụng chính của chúng là giống nhau hoặc tương đương nhau. Chẳng hạn, dùng gas thay thế than củi để đun nấu, dùng cá thay thịt trong các bữa ăn … Khi một loại sản phẩm/dịch vụ càng có nhiều hàng hoá thay thế thì áp lực cạnh tranh càng cao và ngược lại. Chẳng hạn, muối ăn là sản phẩm khó thay thế nên áp lực cạnh tranh là thấp, còn ngành vận chuyển đường sắt có thể bị cạnh tranh bỡi các ngành vận chuyển đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.Như vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà quản trị là không những ứng phó với các doanh nghiệp cạnh tranh trong ngành mà còn phải tính đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài ngành. | |
| | | dungkieuvan Admin
Tổng số bài gửi : 104 Đến từ : hồ chí minh
| Tiêu đề: Re: CHƯƠNG III MÔI TRƯỜNG QUẢN TRỊ 9th June 2010, 7:23 pm | |
| 3- Một số biện pháp làm giảm ảnh hưởng bất lợi của các yếu tố bên ngoài đối với tổ chức/doanh nghiệp.
Để giảm thiểu các yếu tố tác động không thuận lợi cho hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp, người ta thường sử dụng một số biện pháp quản trị môi trường chủ yếu như sau:
a- Dùng đệm:
Là biện pháp dùng các “vật” chắn (đệm – nệm) giảm sốc khi có sự tác động của các yếu tố môi trường bất lợi. Chẳng hạn:
- Doanh nghiệp dự trữ các yếu tố đầu vào như: nguyên vật liệu, vật tư thiết bị thay thế… để đảm bảo cho sản xuất không bị gián đoạn, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh từ người cung cấp.
- Dự trử thành phẩm để có đủ sản phẩm/dịch vụ cung cấp cho khách hàng của mình một cách đều đặn, đảm bảo các hợp đồng kinh tế.
- Tuyển chọn, huấn luyện nhân viên mới nhằm thay thế nhân viên cũ không còn thích hợp hay vì lý do khác…
Trong thời kỳ quản trị hiện đại, biện pháp dự trử ngày càng mất dần ý nghĩa của nó, vì nó sẽ làm tăng thêm nhiều chi phí. Do đó, nó được thay thế bỡi nguyên tắc đúng lúc “JIT - Just In Time”, một trong các nguyên tắc cơ bản của quản trị chất lượng toàn diện.
b- San bằng:
Là biện pháp san sẻ, làm phân tán các tác động bất lợi của khách hàng đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, công ty điện thoại sẽ áp dụng giá cước dịch vụ các cuộc gọi trong giờ cao điểm cao hơn giờ thấp điểm, nhằm hạn chế tắt nghẽn mạch trong giờ cao điểm; trong năm các shop quần áo có thể bán giảm giá (Sel) trong những tháng tiêu thụ chậm…
Đây là một biện pháp mà các doanh nghiệp thường sử dụng. Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng hơn khi áp dụng biện pháp này, vì chúng có thể gây ra những hiện tượng tâm lý không thuận lợi về sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp như mối nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, mất thiện cảm của những khách hàng khi phải mua sản phẩn với giá cao…
c- Cấp hạn chế:
Trong trường hợp cung không đủ cầu, các tổ chức/doanh nghiệp sẽ sử dụng một hay một số tiêu chí nào đó để ưu tiên cung cấp sản phẩm/dịch vụ của mình cho đối tượng này mà không ưu tiên cho đối tượng khác, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh từ phía khách hàng. Chẳng hạn, ngân hàng chỉ cung cấp vốn cho những khách hàng thật sự kinh doanh có hiệu quả; bịnh viện cấp hạn chế giường bịnh cho những bịnh nhân nặng; trường học chỉ nhận những học sinh giỏi; nhà ga hàng không chỉ ưu tiên bán vé cho những khách hàng có đăng ký từ trước…
Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và mang tính thời vụ. Trong dài hạn, nó sẽ được khắc phục thông qua sự điều tiết của giá cả.
d- Hợp đồng:
Hợp đồng là văn bản pháp lý, ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia giao dịch dân sự; làm giảm đi những biến động ngẫu nhiên; đảm bảo sự việc được diễn ra theo đúng kế hoạch; tăng cường khả năng kiểm soát, kể cả kiểm soát của tổ chức và nhà nước.
Hợp đồng là biện pháp căn bản nhất để giảm thiểu bất trắc, nó được áp dụng cho tất cả các tổ chức và cá nhân có tham gia giao dịch dân sự. Trong quan hệ kinh tế, hợp đồng là biện pháp bắt buộc được quy định trong pháp luật. Do đó, các bên tham gia ký kết hợp đồng vừa là quyền lợi và nghĩa vụ.
e- Kết nạp (sáp nhập):
Là biện pháp nhằm giảm bớt đối thủ cạnh tranh, đồng thời tăng thêm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Có hai hình thức sáp nhập:
- Sáp nhập tổ chức/doanh nghiệp. Chẳng hạn, Công ty X sáp nhập với công ty Y và đặt tên mới là Z. Như vậy, đối thủ cạnh tranh của công ty Z sẽ giảm và lợi thế cạnh tranh sẽ được nâng cao hơn so với công ty X và Y khi chưa sáp nhập.
- Sáp nhập từng phần. Chẳng hạn, Công ty X không sáp nhập với Y để thành Z, mà hai công ty này có thể xâm nhập vào nhau dưới nhiều hình thức như mua cổ phiếu, tham gia vào Hội đồng quản trị của nhau.
Dù sáp nhập dưới hình thức nào cũng dẫn đến một hệ quả là các bên tham gia có cùng lợi ích nhất định. Do đó, họ sẽ chung sống với nhau, không thể loại trừ nhau, không gây phương hại cho nhau.
f- Liên kết:
Là biện pháp mà hai hoặc nhiều tổ chức/doanh nghiệp phối hợp các hoạt động để thực hiện một nhiệm vụ, sản phẩm nào đó mà hoạt động đơn lẻ của mỗi bên không thể thực hiện được, hoặc kém hiệu quả. Chẳng hạn, hai trường Đại học liên kết với nhau để đào tạo bậc học trên đại học, hai doanh nghiệp liên kết trong việc phân chia thị trường hoặc liên kết trong việc định ra giá bán sản phẩm.
Sự liên kết giữa các tổ chức/doanh nghiệp sẽ giúp cho các bên gia tăng khả năng thực hiện nhiệm vụ, giảm mức độ cạnh tranh gay gắt, nâng cao hiệu quả hoạt động.
g- Liên doanh:
Là biện pháp mà hai hoặc nhiều cá nhân hay pháp nhân cùng góp vốn để thực hiện kinh doanh trên một hay nhiều sản phẩm/dịch vụ nào đó mà mỗi bên không thực hiện được hoặc kém hiệu quả.
Đây là biện pháp mà các doanh nghiệp thường sử dụng, vì nó thường mang lại hiệu quả trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều liên doanh tan rã. Nguyên nhân của sự tan rã này là có nhiều, song trước hết và nhiều nhất vẫn là sự phân chia quyền lực và lợi ích của các bên tham gia không công bằng, không thống nhất nhau.
h- Vận động hành lang:
Là biện pháp vận động các nhà chính trị, các quan chức chính phủ và địa phương, các tổ chức xã hội, … ủng hộ các quyết định của doanh nghiệp hoặc không đưa ra những chính sách, những quy định, những luật lệ… gây bất lợi cho tổ chức/doanh nghiệp. Đây là biện pháp làm giảm áp lực từ các yếu tố phát sinh từ lực lượng chính trị và pháp lý.
Để thực hiện được mục đích đó, các nhà quản trị có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, có cả những biện pháp không tích cực, từ đó sẽ phát sinh thêm những rủi ro tiềm tàng mà nhà quản trị tổ chức/doanh nghiệp khó kiểm soát được.
i- Quảng cáo:
Quảng cáo là biện pháp mà các tổ chức/doanh nghiệp sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, gây ấn tượng tốt về sản phẩm và thương hiệu của tổ chức/doanh nghiệp, tăng thêm thuộc tính thụ cảm của sản phẩm.
Nghệ thuật quảng cáo quyết định hiệu quả hoạt động quảng cáo. Vì vậy, việc chọn nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với tâm lý khách hàng mục tiêu là mối quan tâm hầu hết của các nhà quản trị trong các tổ chức/doanh nghiệp.
Tính hai mặt của quảng cáo dễ nhận thấy, nhưng ranh giới giữa chúng là rất nhỏ. Vì vậy, hoạt động quảng cáo phải được tổ chức mang tính chuyên nghiệp. | |
| | | dungkieuvan Admin
Tổng số bài gửi : 104 Đến từ : hồ chí minh
| Tiêu đề: Re: CHƯƠNG III MÔI TRƯỜNG QUẢN TRỊ 9th June 2010, 7:23 pm | |
| V- SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG BÊN TRONG (MÔI TRƯỜNG NỘI BỘ) CỦA TỔ CHỨC/DOANH NGHIỆP.
1- Các yếu tố môi trường bên trong.
a- Yếu tố văn hóa của tổ chức.
Mỗi dân tộc, tổ chức, gia đình đều tồn tại một văn hoá riêng. Chẳng hạn, một người lớn lên trong gia đình sẽ được dạy về những điểm chung của gia đình như các giá trị, niềm tin, và những hành vi mong đợi.
a1- Khái niệm văn hoá tổ chức.
Có nhiều khái niệm khác nhau về văn hoá tổ chức:
- “Văn hoá như là tổng thể những hành vi học hỏi được các giá trị, niềm tin, ngôn ngữ, luật pháp và kỹ thuật của các thành viên sống trong xã hội nhất định nào đó – Trích dẫn: Xã Hội Học nhập môn, Nhà Xuất Bản Giáo Dục năm 1995”
- Theo Edgar Schein – nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng của Mỹ định nghĩa văn hoá của tổ chức “Một dạng của những giả định cơ bản – được sáng tạo, được khám phá hoặc được phát triển bỡi các nhóm khi họ học về cách thức giải quyết những vấn đề của thích ứng với môi trường bên ngoài và hội nhập bên trong – những giả định cơ bản này đã vận hành tốt và được quan tâm là có giá trị và vì vậy được dạy cho các thành viên mới như những cách thức đúng để nhận thức, suy nghĩ, và cảm giác trong quan hệ với các vấn đề – Trích dẫn: Hành vi tổ chức, trường Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Trẻ năm 1995”.
- “Văn hoá của tổ chức là những nhận thức tồn tại trong các thành viên của một tập thể, có khả năng chi phối mọi hành động, suy nghĩ và những thói quen của họ – Trích dẫn: Quản Trị Học, trường Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Trẻ năm 1996”.
Dù khái niệm như thế nào đi chăng nữa, văn hoá tổ chức có những điểm chung như sau:
- Văn hoá là sự nhận thức, tiếp nhận được của các thành viên về những chuẩn mực cốt lõi mà tổ chức tạo ra.
- Những chuẩn mực lúc đầu có thể do ý tưởng của một người hay một nhóm người hình thành nên. Và, họ tin tưởng rằng, những chuẩn mực đó có giá trị đối với tập thể và cá nhân.
- Từ đó, nó chi phối toàn bộ hoạt động của cá nhân trong tổ chức, họ nghe và làm theo, dần dần trở thành thói quen-truyền thống của tổ chức. Chẳng hạn, nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines tin tưởng rằng, chiếc áo dài màu xanh da trời là giá trị (giá trị làm đẹp theo quan niệm truyền thống của người phụ nữ Việt Nam), niềm vinh dự, tự hào của công ty, mọi người mặt nó với tinh thần tự giác và đã trở thành truyền thống của họ.
a2- Các chuẩn mực văn hoá.
Chuẩn mực văn hoá là các tiêu chuẩn hành vi được thiết lập dựa trên những gì mà tổ chức hay xã hội mong đợi trong suy nghĩ và trong tư cách đạo đức. Hay nói cách khác, chuẩn mực văn hoá là những mong đợi ở hành vi, như: Các giá trị; tập tục; phong tục; truyền thống; luật pháp; các quy định.
a3- Những biểu hiện văn hoá của tổ chức.
Văn hoá của tổ chức thường được biểu hiện qua quá trình hoạt động của tổ chức. Vì vậy, có thể có những biểu hiện phù hợp với “chuẩn” hoặc không phù hợp với “chuẩn” quy định. Sau đây là một số biểu hiện văn hoá thường thấy ở các tổ chức/doanh nghiệp.
- Sự tự quản của các thành viên trong tổ chức.
- Mức độ kiểm soát, hỗ trợ của các nhà quản trị đối với thuộc cấp.
- Sự gắn bó giữa các thành viên trong tổ chức.
- Sự phóng khoáng hay chi tiết trong các chế độ qui định, trong các tiêu chuẩn đánh giá-thưởng phạt.
- Sự chấp nhận rủi ro …
Trong đó, tập trung nhất và bao trùm hơn cả là tính tự quản của mỗi thành viên trong tổ chức. Mỗi người tự giác thực hiện các công việc của mình; coi sự sai khiến-nhắc nhở-kiểm tra của người khác là sự xúc phạm lòng tự trọng.
Những hành vi thỏa mãn các mong đợi (chuẩn mực) là biểu hiện văn hoá mạnh và ngược lại. Vì vậy, các nhà quản trị phải biết tạo lập, duy trì và phát triển văn hoá tổ chức có lợi nhất.
a4-Tạo lập, duy trì và phát triển văn hoá tổ chức.
v Tạo lập văn hoá.
Sự tạo lập văn hoá tổ chức có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau, song quá trình tạo lập văn hoá tổ chức phải được tiến hành qua các bước sau:
- Ý tưởng về hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp, do cá nhân hay tập thể xây dựng nên. Nội dung của ý tưởng có thể là: mặt đồng phục khi làm việc, mỗi tuần sinh hoạt tập thể vào ngày thứ 2; nơi làm việc ngăn nắp-gọn gàng-sạch đẹp; trong quan hệ niềm nỡ lịch thiệp; đánh giá nhân viên qua hiệu suất và hiệu quả công việc…
- Xây dựng cá nhân và nhóm cốt lõi ủng hộ ý tưởng. Nhằm làm đầu tàu trong việc thực hiện các ý tưởng,
- Trang bị các điều kiện cho nhóm cốt lõi hoạt động có hiệu quả. Chẳng hạn, giáo dục cho các cá nhân trong nhóm tin tưởng rằng những ý thưởng đó là tốt, có thể thực hiện được và có giá trị cho tổ chức; trang bị cho nhóm các phương tiện, nơi làm việc thuận lợi.
- Tìm kiếm các hình thức, biện pháp hoạt động phù hợp của nhóm cốt lõi, nhằm thu hút các cá nhân và nhóm khác.
v Duy trì văn hoá. Bao gồm các hoạt động sau:
- Tuyển chọn nhân sự gồm những cá nhân có cá tính phù hợp văn hoá tổ chức.
- Bố trí công việc có tính “thách thức” để thử thách họ có chấp nhận văn hoá công ty hay không.
- Nếu họ vượt qua bước thử thách thì tạo điều kiện họ thể hiện khả năng của mình.
- Đánh giá và khen thưởng về sự trung thành với những giá trị quan trọng.
- Củng cố những câu chuyện và truyền thuyết.
- Nhận dạng và thăng tiến.
v Phát triển văn hoá tổ chức.
- Đó là làm cho văn hoá của tổ chức phù hợp với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi xã hội công nghiệp phát triển, khách hàng ít có thời gian đi mua hàng nhiều hơn, công ty phải thay đổi thói quen bán hàng trong giờ hành chính tại các gian hàng của mình bằng việc bán hàng tại nhà, qua điện thoại hoặc qua mạng sau giờ làm việc.
- Lúc đầu, sự thay đổi này sẽ gặp không ít khó khăn bỡi sự bền vững của chúng được củng cố qua nhiều thời gian. Vì vậy, đòi hỏi các nhà quản trị phải có nhiều nổ lực: phát triển ý nghĩa của lịch sử, của sự thay đổi; cổ vũ ý nghĩa nổ lực của các thành viên; trao đổi thông tin giữa các cá nhân và các bộ phận…
b- Các yếu tố nguồn nhân lực. Bao gồm: tổng nguồn nhân lực hiện có, cơ cấu nguồn nhân lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và sự lành nghề của nhân lực, tình hình phân bổ và sử dụng nhân lực, các chính sách chế độ phân phối, các chính sách động viên khuyến khích, khả năng thu hút nhân lực, mức độ thuyên chuyển và bỏ việc…
c- Các yếu tố tài chính, kế toán doanh nghiệp. Như khả năng nhu cầu nguồn vốn hiện có so với nhu cầu thực hiện các kế hoạch, các chiến lược của doanh nghiệp; khả năng huy động vốn; tình hình phân bổ và sử dụng nguồn vốn; tình hình kiểm soát chi phí hợp lý; tình trạng quan hệ tài chính của doanh nghiệp với các tổ chức tài chính tín dụng…
d- Các yếu tố tiếp thị. Như các chiến lược tiếp thị, các chương trình tiếp thị hiệu quả, tổ chức mạng lưới tiếp thị, hệ thống phân phối, các hoạt động hỗ trợ khách hàng…
2- Một số biện pháp quản trị môi trường bên trong.
- Kết hợp đồng bộ các biện pháp: hành chính, kinh tế, giáo dục. Và, thực hiện các biện pháp này một cách thường xuyên, liên tục.
- Đổi mới các chính sách, cơ chế quản lý phù hợp với trình độ văn hóa của tổ chức.
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động mang tính xã hội như: hoạt động về truyền thống, làm thay đổi các thói quen, tập quán không còn phù hợp thay vào đó là những sinh hoạt, hoạt động mang tính xã hội hóa cao nhằm gây không khí tâm lý vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng.
VI- QUẢN TRỊ TRONG MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU.
Ở phần IV và V trình bày trên chúng ta chỉ xét một tổ chức/doanh nghiệp đang hoạt động phạm vi trong một nước. Khi doanh nghiệp hoạt động vượt ra khỏi quốc gia thì phải chịu tác động bỡi những yếu tố nào?
1- Quy định của các tổ chức trong hiệp ước và liên minh kinh tế quốc tế.
Sau đây là các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng chi phối đến quá trình hoạt động của công ty tham gia kinh doanh trên thị trường quốc tế, công ty đa quốc gia.
a- Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch – GATT, tiền thân của WTO.
b- Các liên minh kinh tế quốc tế chủ yếu:
- Khối Cộng Đồng Châu Au – EC.
- Hiệp Hội Nhất Thể Hoá Mỹ La Tinh – LAFTA.
- Thị Trường Chung Trung Mỹ – CACM
- Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á – ASEAN
- Hiệp Hội Mậu Dịch Tự Do Caribbe – CARIFTA
- Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ – NAFTA
2- Các quyết định của công ty đa quốc gia.
a- Khái niệm công ty đa quốc gia – MNC.
Công ty đa quốc gia là một tổ chức hoạt động kinh doanh ở hai hay nhiều nước. Thông thường, những công ty này có những văn phòng bán hàng, và trong nhiều trường hợp có cả những cơ sở sản xuất ở nhiều nước, phạm vi hoạt động là toàn cầu. Những đặc điểm chính của công ty đa quốc gia:
- Là những công ty có quy mô lớn hoặc rất lớn và nó khả năng tăng quy mô hơn nữa trong tương lai.
- GDP của các công ty này đóng góp cho quốc gia hàng năm chiếm tỷ trọng rất lớn. Ví dụ: 200 công ty đa quốc gia trên thế giới chiếm tỷ trọng 2/3 GDP của tất cả các nước tiên tiến cộng lại.
- Toàn cầu hoá thị trường là đề tài (nội dung) quan trọng nhất trong chiến lược kinh doanh của các công ty này.
b- Moi trường quản trị toàn cầu.
Dưới đây là những yếu tố môi trường kinh doanh quốc tế chủ yếu cần phân tích.
- Văn hoá.
- Kinh tế.
- Xã hội.
- Chính trị.
- Công nghệ.
c- Những quyết định của MNC.
- Lựa chọn thị trường (nước nào) để kinh doanh.
- Những sản phẩm và dịch vụ nào sẽ tung ra thị trường.
- Sử dụng phương thức nào để xâm nhập thị trường.
Những nhà quản trị sẽ quyết định những vấn đề trên dựa trên sự phân tích môi trường kinh doanh ở các quốc gia khác nhau để lựa chọn.
| |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: CHƯƠNG III MÔI TRƯỜNG QUẢN TRỊ | |
| |
| | | | CHƯƠNG III MÔI TRƯỜNG QUẢN TRỊ | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
Similar topics | |
|
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| Latest topics | » CHƯƠNG 3 HỒI QUY HAI BIẾN by kimanhbp 25th February 2014, 10:21 am
» [CYM] - Mời các bạn tham gia cuộc thi "Mindmap và tôi" by thanhbinh_90ns 22nd November 2012, 9:57 am
» CHƯƠNG II CÁC LÝ THUYẾT QUẢN TRỊ by anhyeuanhbinhminh_2907 11th October 2012, 9:17 am
» CHƯƠNG V QUYẾT ĐỊNH QUẢN TRỊ by besu001 15th September 2012, 7:15 pm
» y kien ve van de dong dong trong cong tac quan tri by huyenkute85 28th July 2012, 5:55 pm
» Thành Đại Siêu come back by yeyeteen 11th February 2012, 10:46 am
» Ai có yêu cầu gì về tài liệu hay kinh nghiệm gì thì cứ hỏi nha, lấy tài liệu bên mục góc học tập by yeyeteen 31st January 2012, 1:27 pm
» Cà phê cho Tâm hồn (Coffee for the Soul) by vietanglcs 3rd January 2012, 12:09 am
» lam wen nha.......... by hoangtramy 12th October 2011, 6:37 pm
» Bài giảng và bài tập môn thị trường chứng khoán by thachquoc88 9th August 2011, 3:27 pm
|
|